7 năm chờ dỡ 'lô cốt' đường trung tâm Sài Gòn
Sau 7 năm, tiểu thương đường Lê Lợi, quận 1, nơi kinh doanh, buôn bán sầm uất bậc nhất Sài Gòn vui mừng khi rào chắn công trường Metro Số 1 sắp tháo dỡ.
Ngồi ở cửa hàng tranh mặt tiền đường Lê Lợi vắng khách, nhưng nhìn cảnh thi công hối hả, bà Lê Thị Kiều thấy vui khi không gian phía trước tiệm sắp được hoàn trả sau nhiều năm bị công trường chiếm dụng. Buôn bán ở đây hơn 25 năm, khi Metro Số 1 chưa triển khai cửa hàng của bà luôn đông khách do gần chợ Bến Thành, thương xá Tax, Vincom Center, khách sạn Rex... Người mua đa phần khách nước ngoài, ở những khách sạn kế bên hoặc theo đoàn, được hướng dẫn viên du lịch đưa đến tham quan, mua sắm, rất chịu chi.
Năm 2014, rào chắn phục vụ thi công ga ngầm Nhà hát thành phố dựng lên, đường Lê Lợi dài khoảng một km như đại công trường. Hàng dài "lô cốt" cao 2-4 m chắn trước cửa che khuất tầm nhìn, chừa lại lối đi hẹp và gập ghềnh. Tuyến phố từ hối hả, nhộn nhịp giao dịch nay thay bằng tiếng máy móc, khói bụi, khách dần thưa thớt. Các hộ phải treo bảng thông báo nơi này "vẫn giao dịch bình thường, xin mời quý khách đi xe vào". Họ thậm chí thuê người đứng phía ngoài hướng dẫn khách, nhưng đi lại bất tiện, thiếu chỗ đậu xe... nên tình hình không khá hơn.
Khách ngày một vắng khiến doanh thu nhiều hộ giảm hơn một nửa, trong khi chi phí mặt bằng, tiền lãi vay mượn buôn bán mỗi tháng cả trăm triệu đồng vẫn phải trả. Cửa hàng bà Kiều cùng nhiều hộ xung quanh sau đó phải thu hẹp buôn bán, cắt giảm nhân viên. Không biết khi nào công trường hoàn thành để tính toán đầu tư, nhiều tiểu thương chỉ hoạt động cầm chừng, cố duy trì vị trí "đất vàng".
"Đỉnh điểm hơn một năm nay, Covid-19 bùng phát khiến nhiều hộ không thể cầm cự. Người thuê đồng loạt trả mặt bằng, dãy cửa hàng từ bán đồ cao cấp đến bình dân lần lượt đóng cửa", bà Kiều nói.
Niêng Diêm, 30 tuổi, nhân viên cửa hàng thời trang kế bên cho biết cô làm việc ở đây hơn 2 năm, mỗi ngày chỉ có vài khách đến. Từ đường Nguyễn Huệ muốn vào cửa hàng của cô, khách phải đi bộ luồn lách qua lối hẹp rộng chừng nửa mét bên dãy "lô cốt". Cửa tiệm lại lọt trước rào chắn, khó thấy từ bên ngoài nên khách chủ yếu là người quen hoặc đặt qua mạng. Khi dịch lan rộng, nhu cầu du lịch giảm mạnh, khách Tây gần như vắng bóng, còn khách trong nước rất ít.
báo giá tủ điện công nghiệp tại hà nội
"Kinh doanh ế ẩm nhưng do thuê đất dài hạn, công ty còn chi nhánh nơi khác bù lại nên địa điểm này vẫn được duy trì do hoạt động hơn chục năm nay", nữ nhân viên nói và cho biết khi nghe tin rào chắn công trường metro sắp tháo dỡ, cả công ty đều mừng, hy vọng dịch bệnh cũng nhanh qua để buôn bán thuận lợi.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR - chủ đầu tư), trước mắt đoạn rào chắn từ đường Nguyễn Huệ đến Pasteur được tháo dỡ và tái lập mặt bằng, cho xe chạy trước 30/4. Những phần còn lại trên tuyến sẽ tiếp tục thực hiện đến cuối năm. Chính quyền thành phố hiện yêu cầu chủ đầu tư cùng các bên liên quan thi công đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm như thoát nước, điện, viễn thông, chiếu sáng... Đồng thời sớm lên phương án phân luồng giao thông, thiết kế cảnh quan khu vực.
Trước đó Sở Quy hoạch và Kiến trúc đề xuất sau khi MAUR hoàn trả mặt bằng đường Lê Lợi, vỉa hè trên tuyến sẽ được mở rộng nhằm tạo thêm không gian chung, kết nối trung tâm mua sắm dọc bên. Đường sẽ giảm các làn xe chạy, tăng diện tích cây xanh, tiện ích công cộng... Hồi tháng 4 năm ngoái, một phần đường Lê Lợi, đoạn từ Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ, thuộc phạm vi thi công ga Nhà hát thành phố của Metro Số 1 đã được trả mặt bằng, giúp khu vực này thông thoáng, diện mạo cảnh quan thay đổi.
Metro Số 1 tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Đoạn ga ngầm Nhà hát thành phố và ga Ba Son khởi công năm 2014, hiện đạt khoảng 95%. Gần khu vực này là ga trung tâm Bến Thành cũng đạt 86% khối lượng. Tuyến metro dự kiến khai thác năm 2022.
Nhận xét
Đăng nhận xét